Giá (chưa VAT):
Nhà thép tiền chế là nhà được chế tạo từ các cấu kiện kết cấu thép được sản xuất trước tại xưởng và vận chuyển ra lắp dựng tại công trường.
Nhà xưởng được sản xuất từ kết cấu thép tiền chế điển hình gồm 3 thành phần sau:
- Các khung chính (cột và kèo) là các cấu kiện tổ hợp tiết diện “I”, có bề cao tiết diện không đổi hoặc vát.
- Thành phần kết cấu thứ yếu (xà gồ, thanh chống đỉnh tường và dầm tường) là các thanh thép nhẹ tạo hình nguội chữ “Z” và chữ “C” hoặc các dầm bụng rỗng.
-Vật liệu bao che gồm tôn mái, tôn vách.
Tất cả các thành phần kết cấu chinh và thứ yếu đều được cắt, đột lỗ, khoan lỗ, hàn và tạo thành hình trước trong nhà máy trước khi được chuyển đến công trường. Chất lượng của các thành phần nhà luôn luôn được bảo đảm vì được sản xuất hoàn toàn tại nhà máy theo tiêu chuẩn và được kiểm tra nghiêm ngặt. Tại công trường, các thành phần tiền chế tại nhà máy sẽ được liên kết với nhau bằng các bulông.
Các Thông số Kỹ thuật cơ bản để xác định một công trình nhà xưởng:
- Chiều rộng nhà: Là khoảng cách từ mép ngoài xà gồ vách đến mép ngoài xà gồ vách đối diện. Thông thường, người ta còn gọi đây là khẩu độ. Cách gọi này thiên về an toàn trong tính toán kết cấu vì khẩu độ thường nhỏ hơn bề rộng nhà một chút.
- Chiều dài nhà: Khoảng cách giữa cánh ngoài của cột hồi đến cột hồi phía đối diện được coi là chiều dài nhà. Chiều dài nhà bao gồm nhiều bước gian.
- Chiều cao nhà: Là khoảng cách từ nền xưởng đến điểm giao nhau giữa tôn mái và tôn vách. Dân gian còn gọi là ‘chiều cao giọt nước’. Chiều cao nhà thông thường từ 6m – 9m. Trường hợp đặc biệt, công trình gạch men Ý Mỹ, hạng mục nhà ghiền là nhà xưởng 1 tầng có chiều cao 28m.
- Tải trọng thiết kế: Theo tiêu chuẩn tải trọng và tác động 2737-1995:
- Hoạt tải trên mái: 30kg/m2
- Tốc độ gió thiết kế: 130km/h.
Ngoài ra, trong những trường hợp cụ thể, khi hệ mái phải chịu những tải trọng khác như hệ thông PCCC, hệ pin năng lượng mặt trời, trần panel thì các tải trọng này sẽ được kể vào trong quá trình tính toán, thiết kế.
- Bước gian ở biên: Là khoảng cách từ phía ngoài của cánh ngoài cột hồi tới đường tim của cột khung bên trong đầu tiên.
- Bước gian trong: Là khoảng cách giữa các đường tim của hai cột khung chính kề nhau. Bước gian thông thường từ 6m-9m. Tuy nhiên, một số công trình như kho lạnh Minh Phú Hậu Giang có bước gian trong lên đên 24m.
- Độ dốc mái %: là độ nghiêng của mái so với đường thẳng nằm ngang. Độ dốc mái thông thường từ 10% đến 20% (thông thường là 15%)
Bình luận